Cặp tốt chồng Tốt chồng (cờ vua)

Nếu chỉ có hai quân Tốt cùng bên nằm trên cùng một cột, ta gọi là một cặp Tốt chồng (hay Tốt chồng đôi, tiếng Anh: doubled pawns). Trường hợp này chỉ xảy ra khi một trong hai quân Tốt ăn một quân của đối phương trên cột chứa quân Tốt còn lại. Trong hình trên, các quân Tốt Trắng nằm trên cột b và cột e làm thành hai cặp Tốt chồng. Ngoài ra, các Tốt Trắng trên cột e còn là các Tốt cô lập.

Trong hầu hết mọi trường hợp, Tốt chồng nói chung được xem là điểm yếu do chúng không có khả năng tự bảo vệ lẫn nhau. Do vậy sẽ khó khăn hơn để đạt được một sự đột phá mà trong đó có thể sẽ tạo ra một Tốt thông (thường là một nhân tố quyết định trong cờ tàn). Trong trường hợp cặp Tốt chồng cô lập, điểm yếu này càng thêm trầm trọng hơn. Một vài dạng chiến lược và khai cuộc trong cờ vua được hình thành dựa trên cơ sở gây gánh nặng cho đối phương với Tốt chồng, một điểm yếu chiến lược.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một bên chấp nhận bị Tốt chồng có thể đạt được lợi ích vì làm như vậy có thể mở được cột cho Xe, hoặc là vì Tốt chồng thực hiện được chức năng nào đó hữu ích, như là bảo vệ các ô quan trọng. Đồng thời, nếu đối phương không tấn công được Tốt một cách hiệu quả, điểm yếu cố hữu này có thể ít hoặc không đem đến tác hại. Ngoài ra cũng có một số dạng khai cuộc chấp nhận Tốt chồng để đổi lấy một vài lợi thế tiêu biểu khác, ví dụ như Phương án hai Mã của Phòng thủ Alekhine.

Nhìn chung nhắc đến Tốt chồng chủ yếu và phổ biến nhất là trường hợp Tốt chồng đôi, các trường hợp Tốt chồng ba và Tốt chồng bốn như trình bày dưới đây rất ít gặp.